His
Holiness Kyabje Ling Rinpoche
Thích Nữ Giác Anh chuyển ngữ
Thích Nữ Giác Anh chuyển ngữ
LGT: Ngài Kyabje Ling Rinpoche
(1903-1983) là một trong hai vị Thầy giáo thọ cao cấp nhất của Đức Đạt Lai Lạt
Ma 14th. Mới vừa 10 tuổi Ngài đã vào trường Phật học, chưa đầy 20 tuổi
đã hoàn tất xong học vị Tiến sĩ (Geshe). Đời Ngài là một bài học Phát Bồ Đề
Tâm, chân tu thật học. Đến cuối cuộc đời Ngài vẫn còn ban những bài pháp cao
quí cho gần 2000 thính giả tại Tu viện Sera vào đầu năm 1983. Ngài thị hiện tự
tại nhập diệt vào tháng 12 năm đó với nhiều hiện tượng nhiệm mầu, thực
chứng cả cuộc đời hành trì chánh pháp. Người dịch xin kính chuyển ngữ bài pháp
Phát Bồ Đề tâm Ngài đã giảng tại Ấn Độ năm 1979. Mọi chỗ chưa sáng tỏ là do lỗi
của người dịch, nếu có được công đức nào xin vì tất cả chúng sanh, nguyện hồi
hướng cầu sinh Tây phương Tịnh Độ.
Bồ đề tâm và trí tuệ
Biểu hiện của giác ngộ là Bồ đề tâm. Bồ Đề Tâm lấy
tình thương và từ bi làm căn bản, là nhân tối cần thiết để thành tựu Phật quả.
Vì thế hành giả nên phát khởi tâm Bồ Đề với ý niệm thanh tịnh “Con xin nguyện
vì lợi ích của tất cả thế gian mà trọn thành Phật đạo.”
Muốn đạt đến cứu cánh giác ngộ viên mãn, tức vượt
qua quả giác ngộ của Niết Bàn Tiểu thừa A La Hán, thì mình phải phát Bồ đề tâm.
Còn nếu chỉ tu tập quán Không thì trước sau gì cũng bị mắc vào cái tịch tĩnh của
trạng thái Niết Bàn thay vì tiến tu cho đến Phật quả. Bài pháp này dựa vào câu
nói: “Nếu cha là Bồ đề tâm, mẹ là Trí tuệ, thì con sẽ thuộc dòng dõi
chư Phật”. Ở Ấn Độ thời xưa, nếu cha mẹ khác chủng tộc, con sẽ
theo dòng dõi cha, cho dù mẹ thuộc dòng dõi nào chăng nữa. Thế nên, Bồ đề tâm
như người cha, nếu phát Bồ đề tâm sẽ thuộc dòng dõi Bồ đề, tức dòng dõi chư Phật.
Mặc dù Bồ đề tâm là nhân duyên chính thành tựu Phật
quả, nhưng Bồ đề tâm ví như người cha cũng rất cần hợp nhất với Trí Tuệ, còn gọi
là Tánh Không, ví như người mẹ, để con có khả năng đạt thành Phật quả. Dù được
bên này mà thiếu bên kia cũng không giác ngộ viên mãn, cho dù Bồ đề tâm là năng
lực cần thiết sinh thành quả Phật, nhưng trãi qua những giai đoạn phát tâm đó,
cần phải có Không quán. Trong Kinh Viên Giác, bộ Kinh đức Phật giảng sâu nhất về
Tánh Không, khuyến tấn hành giả thường phải quán Không dựa trên nền tảng Bồ Đề
Tâm.
Tuy nhiên, những hoa trái của tâm linh khi tiếp nhận
giáo pháp Bồ đề tâm sẽ gặp khá nhiều giới hạn, nếu thiếu một nền tảng tâm linh
vững chắc. Bởi thế đa số các bậc Thầy bắt buộc môn đệ trước hết phải huân tập
những pháp tu căn bản trước khi lãnh thọ giáo pháp cao hơn. Ví như muốn lên đại
học, đầu tiên phải tập đọc, tập viết. Dĩ nhiên, chỉ nghe qua thiền quán về tình
thương, từ bi và bồ đề tâm chắc chắn sẽ để lại trong tâm một dấu ấn rất tốt đẹp.
Nhưng đối với pháp này, để đạt được sự chuyển hóa toàn diện sâu xa, cần phải
thường quán sát những pháp căn bản như: Được sinh trong thân người cao quí - Vô
thường - Chết - Bản chất của nghiệp lực - Luân hồi - Qui y - Những pháp tu cao
hơn, thiền quán và trí tuệ…
Vậy chính xác Bồ đề tâm là gì? Đó là tâm xác định mạnh
mẽ sự mong cầu “vì lợi ích tất cả chúng sanh nên con phải thành tựu quả
vị giác ngộ viên mãn”. Nếu chỉ lập đi lập lại những lời này thì quá dễ,
nhưng thật ra Bồ đề tâm rộng sâu hơn rất nhiều. Nếu chỉ phát ý trong tâm “Con
nguyện đạt giác ngộ vì lợi ích kẻ khác”, mà không tu những nhân tố ban đầu, vốn
là bậc thang nền tảng cơ bản, thì cũng chẳng thể phát Bồ đề tâm đúng lý được.
Vì lý do đó nên Đại sư Atisha đã có lần hỏi “Có ai biết người nào đạt được Bồ đề
tâm mà không do quán Từ Bi không?
Những lợi ích của Bồ Đề Tâm
Lợi ích của phát Bồ đề tâm là gì? Có thí dụ, nếu biết
một món ăn ngon nào đó, thì chắc chắn ta sẽ làm sao để được thưởng thức món ăn
đó. Cũng tương tự, khi hiểu được sự tuyệt vời của Bồ đề tâm, chúng ta sẽ ra
công làm sao để tìm học phương pháp, rồi huân tập phát huy.
Điều lợi lạc ngay tức thời của phát Bồ đề tâm là
trong dòng chảy tâm thức của chúng ta đã lập tức nhập vào dòng chảy của Phật
pháp Đại thừa, xứng đáng danh hiệu Bồ tát, con của chư Phật. Không cần ta phải
thế nào, ăn mặc ra sao, quyền uy giàu có, thấy được cõi vô hình hay có năng lực
thần bí gì gì chăng nữa…; một khi phát Bồ đề tâm là đã trở thành Bồ Tát; những
khía cạnh khác không cần bàn tới nữa. Nếu không có Bồ đề tâm thì không phải Bồ
tát. Cho dù chúng sanh đó có Bồ đề tâm mà phải đọa thân súc sinh cũng được chư
Phật tôn trọng là Bồ tát.
Chư Tôn Đức trưởng lão của Tiểu thừa đã thành tựu vô
số những chứng đắc tuyệt diệu, nhưng về bản chất, vẫn thua một người dù chỉ sơ
phát Bồ đề tâm. Điều đó tương tự một hoàng tử con vua Chuyển Luân, mặc dù chỉ
là một đứa bé sơ sinh chưa có trí tuệ hay quyền uy gì, nhưng thân thế vẫn hơn bất
cứ vị học giả hay bộ trưởng nào trên thế giới.
Xét theo lợi ích chung, mọi sự an lạc và thành tựu đều
khởi từ Bồ đề tâm. Chư Phật đều từ chư Bồ tát sanh, mà chư Bồ tát do Bồ đề tâm
sanh. Do thị hiện của chư Phật và Bồ Tát, những làn sóng năng lượng giác ngộ
bao trùm khắp vũ trụ, ảnh hưởng khiến chúng sinh biết tu thiện nghiệp.Thiện
nghiệp này mang đến cho chúng sinh lợi lạc và hạnh phúc. Mặt khác, dòng năng lượng
giác ngộ hùng vĩ đó phát sinh từ pháp thân của chư Phật, khi chư Phật được sinh
ra từ Bồ tát, và Bồ tát thì từ Bồ đề tâm, tức cội nguồn thành tựu và an lạc của
chúng sanh trong vũ trụ cũng chính do Bồ đề tâm vậy.
Làm sao để phát Bồ đề tâm
Làm sao để phát Bồ đề tâm? Có hai phương pháp chính:
Thứ nhất là quán sáu nhân và một quả. Tu quán sáu
nhân: nhận biết tất cả chúng sanh đều đã có lần làm mẹ chúng ta - tình thương của
người mẹ - tư tưởng báo hiếu - khởi tâm thương yêu - từ bi và nguyện gánh trách
nhiệm cho thế gian; đưa đến một quả là Bồ đề tâm.
Phương pháp thứ hai là quán chiếu trao đổi trực tiếp,
thay vì ái luyến bản thân thì quan tâm đến tha nhân.
Muốn tu tập một trong hai pháp Phát Tâm Bồ đề này, đầu
tiên phải phát khởi thấy tất cả chúng sanh đều bình đẳng. Quán từ từ, mới đầu
xem một số chúng sanh nào đó, quán họ như người thân, rồi sau quán đến những
người ghét, những kẻ thù, sau nữa đến hết những người lạ đều như thế. Cho đến
lúc đạt đến sự bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh. Bằng không dù có muốn thiền
quán để phát tâm Bồ đề cũng chẳng ảnh hưởng chi! Thí dụ, muốn vẽ một bức tranh
trên tường, đầu tiên phải làm sao để mặt tường không còn nứt nẻ hay lồi lõm.
Cũng tương tự như thế, không thể đạt tâm Bồ đề viên mãn khi tâm thức còn phân
biệt người này bạn, kẻ kia thù hay người nọ xa lạ.
Biểu hiện sự phân biệt
Đối với người chúng ta hay khởi tâm phân biệt, điều
này cũng tự nhiên thôi. Khi đã phân biệt, tâm ta thường như thế này: nếu
gặp một người, biết người đó là bạn, tự nhiên sự ràng buộc gia tăng, khiến
ta cư xử với người đó một cách nồng nhiệt và tốt bụng. Tại sao ta cho người đó
là “bạn”? Vì đã có lúc họ đem lợi ích hay đã đồng tình với ta điều gì đó. Ngược
lại, khi tiếp xử với người mà ta cho là “kẻ thù”, ác cảm sẽ khởi lên khiến ta đối
lại bằng lạnh lùng và giận dữ. Lần nữa, nguyên nhân, là do người đó đã từng gây
hại hay khiến ta sợ gì đó. Tương tự, khi gặp người không thiện cảm cũng không
phương hại, ta cho rằng đó là “kẻ xa lạ”, và không khởi cảm xúc gì hết.
Tuy nhiên, nếu xét cho kỹ cách phân biệt đối xử này,
sẽ thấy ngay nó hoàn toàn không chắc chút nào. Ngay trong cuộc đời này, con người
lắm khi xem bạn như thù, còn kẻ thù thì biến thành bạn. Trong vô lượng kiếp, từ
kiếp vô thỉ trôi lăn theo dòng sinh tử đến nay, không có một chúng sinh nào chỉ
hoặc là bạn, hoặc là thù của chúng ta.
Người bạn chí thân trong cuộc đời này rất dễ có thể
là kẻ thù ghê gớm nhất của ta từ kiếp trước, hoặc ngược lại như thế. Một người
bạn chỉ cần cư xử tệ sẽ nhanh chóng trở thành thù, một kẻ thù mà giúp đỡ ta
chóng trở thành một người bạn mới. Vậy thì đâu ai là bạn, đâu ai là thù? Thay
vì đối với tha nhân chỉ vì một chút lợi hại phù du nào đó, mà ta nên quán rằng
tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp quá khứ, thế nào cũng đều đã từng làm khổ,
cũng đã từng đem đến hạnh phúc cho ta; và bằng cách đó sẽ giúp ta từ bỏ được
tâm phân biệt hẹp hòi như thế.
Nguyên nhân chính của tâm phân biệt bắt nguồn từ ngã
ái, luôn nghĩ mình quan trọng hơn kẻ khác. Hậu quả của ngã ái là khởi lên ràng
buộc đối với những ai đã từng giúp mình, và ác cảm những ai đã từng làm hại. Từ
đó, tạo vô số nghiệp với người thương, kẻ ghét. Như vậy mình lại gây đau khổ
cho chính mình và kẻ khác, vừa hiện tại vừa tương lai, cho đến khi chủng tử
nghiệp lực này đủ duyên hiện hành, sẽ chín muồi thành quả đau khổ.
Lợi lạc khi thương chúng sanh
Giáo pháp dạy rằng “tất cả hạnh phúc trên thế gian sẽ
đến khi ta biết thương chúng sanh, ngược lại sẽ là khổ đau khi ta chỉ biết
thương mình”. Vì sao? Vì thương mình tức là muốn mình vöôït hơn kẻ khác, thế chẳng
trách chung quanh toàn những chuyện giết chóc, cướp giật, bất hòa… Không những
tự mình làm mất đi cuộc sống hạnh phúc mà những chủng tử bất thiện ấy còn là
nhân dẫn đến tái sinh vào các cảnh giới khổ đau ở kiếp sau: địa ngục, ngạ quỷ
hay súc sanh. Chỉ biết đến mình là đầu mối của mọi sự xung đột, từ những đổ vỡ
trong gia đình cho đến chiến tranh trên thế giới, và hết thảy những ác nghiệp
khác.
Còn thương chúng sanh thì sao? Khi thương chúng
sanh, chắc chắn ta sẽ không hại, không giết, đó chính là nhân của sống lâu.
Thương chúng sanh, ta mở rộng lòng mình, biết sống cảm thông và khoan dung, độ
lượng đó là nghiệp nhân của kiếp sau giàu có, sung túc. Khi thương chúng sanh,
thậm chí có ai hãm hại hay làm ta đau khổ, ta vẫn có thể an trú trong tình
thương và nhẫn nhục, đó là thiện nghiệp chiêu cảm quả báo được thân tướng tốt đẹp
ở mai sau. Nói tóm lại, mọi quả thiện đều từ những nhân thiện thương yêu chúng
sanh, chính những nhân tốt ấy sẽ đem đến cho ta niềm vui và hạnh phúc; hơn nữa,
cũng chính từ tâm thương chúng sanh đó mà ta đạt được Niết Bàn và Phật quả.
Làm thế nào để đạt Niết Bàn ta phải viên mãn ba môn
vô lậu học: Giới - Ðịnh - Huệ. Ở đây, Giới quan trọng nhất vì chính Giới là nền
tảng để phát triển Ðịnh và Huệ. Ðiểm chính yếu của Giới là để ngăn những hành
vi làm tổn hại chúng sanh. Khi đã thương chúng sanh hơn thân mình, ta sẽ thấy
trì Giới không còn là điều khó khăn nữa. Khi tâm được an tịnh và hỷ lạc, đó
chính là lúc ta bước vào Ðịnh và Huệ.
Nhìn theo khía cạnh khác, thương chúng sanh còn là một
hướng đi đúng đắn và cao thượng. Trong cuộc đời này mọi việc xảy ra dù trực tiếp
hay gián tiếp đều nương vào mối tương quan giúp đỡ của người khác. Ra chợ mua
thức ăn từ người khác, quần áo đang mặc, nhà cửa đang sống đều nhờ công lao của
người khác… Và để đạt mục đích tối thượng Niết Bàn và Phật quả, hết thảy càng
nhờ sự gia trì và giúp đỡ của người khác, không có họ không thể nào thiền quán
từ bi tâm, chân thành tâm v.v… và như thế không thể nào khởi phát những chứng
nghiệm tâm linh.
Cũng thế, hết thảy giáo lý Thiền đức Phật đã dạy đều
bắt nguồn từ ân chúng sanh. Những gì Ngài dạy chỉ nhằm làm lợi lạc chúng sanh,
nếu không có chúng sanh Ngài đã không dạy pháp. Thế nên trong Bồ Tát Hạnh, Ngài
Tịch Thiên (Shantideva) luận rằng, trên phương diện Từ Bi chúng sanh đồng với
chư Phật. Ðôi lúc người ta thường lầm lẫn, chỉ cung kính chư Phật mà ghét bỏ
chúng sanh; chúng ta nên tri ân hết thảy chúng sanh như chúng ta đã từng cảm niệm
ân đức của chư Phật vậy.
Khi đi tìm hạnh phúc - an lạc, ta sẽ bắt gặp đó
chính là sự quan tâm cho toàn thế giới. Nguyên nhân của bao bất hạnh và tan vỡ
đều không đâu ngoài thái độ ích kỷ cá nhân.
Trong tiền kiếp đức Phật từng là một người bình thường
như chúng ta. Rồi Ngài đã dừng tâm vị kỷ, chuyển thành tâm phụng sự hết thảy
chúng sanh và từ đó Ngài đi vào con đường thành Phật. Do tâm chúng ta còn quá
chấp thủ vào luyến ái cá nhân nên đã để lại phía sau chuỗi sinh tử luân hồi, vừa
hại mình mà còn hại người.
Một trong những câu chuyện trong kinh Bổn Sanh, kể về
tiền thân đức Phật như sau: Có một kiếp Phật từng là một con rùa khổng lồ, khi
gặp nạn đắm thuyền rùa đã dùng lưng cứu đưa nạn nhân vào bờ. Đến được bờ rùa bất
tỉnh vì quá kiệt sức, lúc đó cả ngàn con kiến kéo đến tấn công. Không lâu sau
kiến cắn làm rùa tỉnh lại, nhưng biết rằng nếu bò đi có thể sẽ làm chết vô số
sinh linh nên rùa vẫn nằm yên, hiến thân mình làm thức ăn cho các loại côn
trùng. Đây là một tấm gương sâu xa về tình thương của đức Phật. Có nhiều
chuyện trong Bổn Sanh Truyện tương tự như vậy kể về tiền thân của đức Phật, qua
đó ta thấy rõ sự quan trọng của tình thương đối với chúng sanh. Trong sách Chúc
Mãn Thọ gồm cả thảy 108 truyện như thế.
Rõ ràng, tâm vị kỷ - chỉ biết thương bản thân là
nhân của mọi mối bất toàn, ngược lại phụng sự chúng sanh là nhân của mọi điều hạnh
phúc. Những đau khổ của các cảnh giới dù thấp hay cao trong cõi Hữu, những vướng
mắc trên đường tu, cho đến những chướng ngại vi tế trước khi đạt Niết Bàn đều
do tâm vị kỷ. Trong khi mọi hạnh phúc của đời này cho đến những đời vị lai đều
bắt nguồn từ tình thương hết thảy chúng sanh.
- Hành trì Bồ Ðề Tâm
Vì thế chúng ta nên phát tâm sâu rộng làm lợi ích
chúng sanh, mở rộng lòng thương đến hết thảy muôn loài. Ðừng để tâm mình dần trở
nên chai sạn, hãy để tâm ấy thăng hoa thành đại từ bi, mong mỏi chúng sanh
thoát vòng đau khổ. Mỗi khi đối diện với người đang khổ, trong tâm cần có tình
thương như tâm người mẹ nhìn đứa con thơ duy nhất, đang trong lửa dữ hay đang bị
cuốn xuống sông sâu, lúc đó người mẹ chỉ có một niệm duy nhất là làm sao cứu đứa
con yêu ra khỏi nguy hiểm mà thôi; và hãy để tâm mình trào dâng lòng bi cảm với
người như thế. Gặp ai đang khổ, nên nguyện: “nguyện cho con giúp người hết khổ”.
Với ai đang vui, phát nguyện: “nguyện cho con giúp người mãi được vui”.
Tâm nguyện đó phải bình đẳng đối với hết thảy
mọi loài chúng sanh, đừng như một số người chỉ biết thương bạn bè hay người
thân thuộc, và dửng dưng với người lạ hoặc kẻ thù của mình. Ðó không phải từ bi
mà chính là sự ràng buộc. Lòng từ bi chân thật phải hoàn toàn không phân biệt,
xem tất cả đều bình đẳng như nhau.
Tương tự, tình thương chân thật là niềm mong ước bảo
vệ hạnh phúc cho hết thảy chúng sanh một cách bình đẳng, vô tư, không có người
thương kẻ ghét. Tình thương chân thật ấy gồm hai phần chính: bình đẳng và nguyện
đem an vui cho người.
Khi thường quán tưởng trong nhiều kiếp quá khứ, cha
mẹ, bằng hữu đã có ơn đức lớn với ta thế nào, tự nhiên sẽ thấy dễ dàng bình đẳng
với hết thảy chúng sanh. Thậm chí mỗi khi quán tưởng như thế, trong tâm phải
dâng lên một niềm ước mong được thấy hết thảy chúng sanh an vui và cùng trồng
nhân thiện. Ðó đúng là tình thương bao la, không phân biệt và kỳ thị.
Khi có chánh quán về tình thương và từ bi, tự nhiên
sẽ phát sinh tám điều lợi ích. Tám điều này qui về hai điểm: thứ nhất, đời này
và đời sau ta và chúng sanh đều có hạnh phúc, thứ nhì, vun bồi thắng duyên trên
đường đến Phật quả. Chánh quán như thế sẽ dẫn tái sinh vào ba cảnh giới tốt đẹp
hơn, ít ra là cõi người, cõi trời và ươm trồng chủng tử giải thoát.
Tóm lại, nên phát tâm cầu cho chúng sanh luôn có hạnh
phúc, không còn đau khổ, dù đó là bạn hay thù. Hơn thế nữa, nên khởi tâm chính
mình gánh vác trách nhiệm đem an vui đến cho chúng sanh. Không có tâm niệm nào
đặc thù và cao thượng hơn tâm nhiêu ích hữu tình. Điều đó như chính mình vào phố
thị, chính mình mua về cho người thân cái mà họ đang thích, thay vì chỉ ngồi
nghĩ mông lung, người nhận quà sẽ vui thích ra sao! Cho nên trách nhiệm là
chính mình chứ không phải ai khác có trách nhiệm đem lại lợi ích an vui cho
chúng sanh.
Rồi ta phải luôn luôn tự hỏi: “Mình có đủ khả năng
đem lại lợi lạc cho chúng sanh chưa? - Tất nhiên chưa. Vậy ai mới có khả năng?
Chỉ có đấng Giác Ngộ - Phật Ðà - mới có khả năng đem lợi ích viên mãn cho chúng
sanh. Vì sao? Vì chỉ khi đạt Phật quả mới viên mãn rốt ráo không chướng ngại.
Thử hỏi chính bản thân ta còn lẩn quẩn trong luân hồi thì làm sao đưa ai đến Niết
Bàn? Thậm chí hàng Thanh Văn và thập địa Bồ Tát cũng không thể làm lợi ích hữu
tình một cách rốt ráo. Chính những vị ấy cũng còn chướng ngại vi tế, nhưng Chư
Phật thì rốt ráo lợi lạc chúng sanh, nhiêu ích trong từng hơi thở. Tâm của
bậc Giác Ngộ như tiếng trống Phạm Thiên, mỗi khi trống đánh lên, âm ba giáo hóa
tự nhiên vang vọng khắp thế giới, trời mây, tùy duyên mát dịu cảnh vật và tưới mát
cuộc đời.
Ðể đáp lại những mong cầu của chúng sanh, không gì
khác hơn là đưa họ đến cảnh giới rốt ráo an lạc, chứng đạt Phật quả. Phật quả
là kết tinh của Bồ Ðề Tâm. Bồ Ðề Tâm là tâm bất khả tư nghì, tâm gánh vác toàn
thể vũ trụ, không gì khác hơn là tâm mong muốn chính mình đem lợi ích cho hết
thảy chúng sanh. Như uống nước, trước tiên phải có cảm giác muốn uống nước và
phải có phương tiện đựng nước. Cũng thế, vì muốn chúng sanh có an lạc viên mãn
nên mới đưa đến bờ giải thoát, điều đó ví như cảm giác muốn uống nước; nhưng muốn
đưa chúng sanh đến giải thoát trước tiên mình phải giải thoát, tâm đó ví như
phương tiện đựng nước. Khi đủ hai điều kiện đó, cả mình và chúng sanh đều đạt
được lợi ích.
Tuy nhiên, nếu vừa nghe đến Thiền quán phát Bồ Ðề
Tâm rồi tức tốc lao vào thực hành mà chưa qua giai đoạn chuẩn bị, điều đó xem
như hành giả hoàn toàn không biết tiến trình của tâm là thế nào. Thí dụ, làm
sao có thể từ bi quán mà không biết tứ niệm xứ là gì, hay ít ra cũng biết chân
lý khổ là gì?, như vậy có khác gì mê tín dị đoan đâu? Làm sao có thể đạt đúng
nghĩa từ bi, làm sao có được niềm khao khát giải thoát chúng sanh, khi không biết
những gì làm chúng sanh đang khổ? Làm sao có thể thông cảm nỗi đau chúng sanh,
khi không biết ái dục và sân hận đang tràn lan xâu xé chính mình như thế nào?
Như vậy, để biết tâm chúng sanh ra sao, phải biết tất cả các khía cạnh của khổ
như thế nào. Chỉ khi đó mới có thể cảm thông với người khác. Ðầu tiên phải có từ
bi với chính mình, hầu mới đem từ bi đến cho người.
Khi quán về Khổ sẽ khởi niệm xả ly. Xả ly là một
năng lực nội tâm. Trước khi thiền quán phát Bồ Ðề Tâm, hành giả trãi qua thực
hành hai bước chính, sơ bộ và trung cấp - năng lực xả ly sẽ được nuôi dưỡng
và phát huy trong hai giai đoạn này. Khi bắt đầu quán sát bản chất Khổ và
nguyên nhân Khổ, cũng là lúc chúng ta bắt đầu tìm đường đưa chúng sanh vượt
thoát cảnh giới bất toàn này. Quán sát thân người là cao quí và khó được, để thấy
mình biết ơn hoàn cảnh sống. Quán vô thường và hoại diệt, để thấy mình buông xuống
những chuyện nhỏ nhặt hầu tìm cầu khả năng tâm linh.
Do vì khả năng tâm linh không thể tìm cầu trong sách
vở, nếu không tự mình tu tập. Điều đó còn có nghĩa phải tự tinh tấn và y theo sự
hướng dẫn của bậc Thầy Thiện Tri Thức.
Dù chỉ được nghe Bồ Ðề Tâm thôi cũng có phần lợi lạc,
vì như vậy cũng đã gieo trồng phát huy chủng tử giải thoát. Tuy nhiên, để nuôi
lớn chủng tử đó cần phải cẩn thận tu tập. Phải từng bước từng bước tu tập như
đã thưa trên. Muốn như thế, cần phải theo một vị Thầy đúng pháp, có khả năng
theo dõi và hướng dẫn sự tiến triển của đệ tử. Ðể sự hiện diện của vị Thầy đem
đến cho mình lợi ích cao nhất; người học trò cần phải cư xử và cung kính đúng
phép giữa Thầy và Trò. Từ đó dần dần hạt giống Bổ Ðề Tâm sẽ nảy mầm nở hoa
trong tâm người tu tập.
Trên đây chỉ giải thích vắn tắt ngắn gọn Bồ Ðề Tâm
và phương pháp tu tập. Tôi rất hoan hỷ nếu quí vị tìm được niềm hứng thú với đề
tài này. Nền tảng của Bồ Ðề Tâm, tình thương và từ bi là động lực mang lại lợi
ích cho người lẫn cho ta. Và một khi Bồ Ðề Tâm đã chuyển hóa, thì mỗi một hành
động đều trở thành một thiện nhân dẫn đến Phật quả. Thậm chí nếu tu chỉ để bớt
dần thái độ ích kỷ bản thân thôi, thì đó cũng đã quá tốt rồi. Không có Bồ Ðề
Tâm thì đừng nói gì đến quả vị Phật. Một khi đã phát Bổ Ðề Tâm rồi, thì vấn đề
còn lại chỉ là thời gian mau hay chậm mà thôi.
Trước hết, nên quán sát thường xuyên về Vô Thường và
Chết. Sau đó, bước thứ hai, nên quán bản chất không như ý của luân hồi nghiệp
báo, cũng như ba môn vô lậu học, Giới - Ðịnh - Tuệ. Sau cùng, trang trãi
tình thương, từ bi và tự mình gánh vác trách nhiệm đến hết thảy chúng sanh. Ðó
là Bồ Ðề Tâm, là tinh thần Ðại Thừa giáo, là cứu cánh quả vị Phật.
Dưới sự giáo huấn của bậc Thầy, Bồ Ðề Tâm nên đi đôi
với Trí Tuệ và Tánh Không; và vì lợi ích của hết thảy chúng sanh, nguyện cho
con sớm đạt được Phật quả. Ðây không phải là chuyện dễ làm, nhưng nếu làm được
thì kết quả rốt ráo viên mãn.
Ðiều đầu tiên, cũng là điều tối quan trọng trong suốt
quá trình tu tập, đó là: quyết không làm điều ác, làm hết thảy việc lành và phụng
sự hết thảy chúng sinh. Nền tảng căn bản của Giới như vậy đã thiết lập được rồi,
thì tất cả mọi hoa trái chứng đắc khác sẽ trở thành dễ dàng, thậm chí Phật quả
cũng như thế.
Mỗi chúng ta đều có khả năng tu tập, mỗi chúng ta đều
có thể thành Phật. Tất cả những gì chúng ta phải làm là dùng hết tâm lực để học
và chuyên cần tu tập. Một khi Bồ Ðề Tâm là giáo pháp quan trọng của hết thảy
chư Phật rồi, thì ta nên cố gắng hết sức mình để chứng được điều đó.
Chùa Pháp Bảo, Sydney
Thích Nữ Giác Anh chuyển ngữ
Generating Bodhicitta
His Holiness Kyabje Ling Rinpoche
No comments:
Post a Comment