Singapore, 10 tháng Tám, 1988
Trích đoạn đã được duyệt lại từ
Berzin, Alexander and Chodron, Thubten.
Glimpse of Reality.
Singapore: Amitabha Buddhist Centre, 1999.
Trích đoạn đã được duyệt lại từ
Berzin, Alexander and Chodron, Thubten.
Glimpse of Reality.
Singapore: Amitabha Buddhist Centre, 1999.
Hỏi: Xin ông
nói về mối liên hệ giữa đạo Phật và khoa học và cho một vài ví dụ điển hình về
những điểm tương đồng.
Đáp: Cho đến
nay, những cuộc đối thoại giữa Đức Dalai Lama và các nhà khoa học chủ yếu chú
trọng về ba lãnh vực. Một là đề tài vật lý thiên văn, tìm hiểu xem vũ trụ đã được
phát triển như thế nào. Vũ trụ có khởi điểm không? Vũ trụ được tạo ra hay là một
quá trình bất tận? Đề tài khác là vật lý hạt, liên quan đến kết cấu của nguyên
tử và vật chất. Thứ ba là khoa học thần kinh, nghiên cứu về sự vận hành của não
bộ. Đây là ba lãnh vực chánh.
Một trong những kết luận mà Phật giáo và các nhà
khoa học đều đồng ý là không có đấng tạo hóa. Trong khoa học, theo lý thuyết bảo
tồn vật chất và năng lượng thì chúng chỉ biến đổi chứ không được tạo ra, cũng
không bị hủy diệt. Phật tử hoàn toàn đồng ý với điều này và cho rằng tâm cũng
như thế. “Tâm”, trong Phật giáo là sự ý thức về các pháp, hữu tình hoặc vô
tình. Ý thức không thể sanh hay diệt, chỉ có biến đổi mà thôi. Vì vậy, tái sanh
chỉ là sự thay đổi của dòng tâm thức liên tục của một cá thể mà hiện nay, cơ sở
vật chất của nó là một thân khác.
Các nhà vật lý hạt nhấn mạnh về vai trò của người
quan sát, khi định nghĩa bất cứ điều gì. Ví dụ, ở một khía cạnh nào đó, ánh
sáng được xem như vật chất; và từ bình diện khác, nó là năng lượng. Ánh sáng hiện
hữu dưới hiện tương nào tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là khuôn khổ khái niệm
mà người nghiên cứu dùng để phân tích nó. Vì vậy, các pháp tự chúng vốn không tồn
tại một cách cố hữu như thế này hoặc thế kia, mà không liên hệ tới tâm thức nhận
biết chúng.
Phật giáo cũng khẳng định như vậy: Các pháp hiện hữu
tùy vào người quan sát và khuôn khổ khái niệm dùng để phân tích chúng. Ví dụ một
vấn đề được xem là nan giải hay không tùy thuộc hoàn toàn vào người trong cuộc.
Với một người có khái niệm rằng: “Trường hợp này không thể giải quyết được,
mình không thể làm gì được,” thì vấn đề trở nên bế tắc. Trái lại, nếu người
khác nghĩ rằng: “Vấn đề này thật là rắc rối và phức tạp, nhưng ta sẽ có cách
khác để đối phó với nó”, thế thì người này cởi mở hơn trong việc hóa giải vấn đề.
Một vấn đề có thể rất nan giải cho nguời này nhưng đối với người khác lại không
đáng kể. Nó tùy thuộc vào người quan sát, chứ các vấn đề tự chúng không to lớn
như vậy. Vì vậy, khoa học và Phật giáo đều có cùng một kết luận: Mọi hiện tượng
tồn tại bằng những cách khác nhau, tùy thuộc vào người quan sát chúng.
Tương tự như thế, các nhà thần kinh học và các Phật
tử cũng ghi nhận mối tương quan duyên khởi của vạn pháp. Ví dụ như, khi các nhà
thần kinh học quan sát não bộ để tìm ra cơ chế nào giúp ta quyết định mọi việc,
thì họ không tìm ra một “bộ phận tạo quyết định” riêng rẽ nào cả. Trong đầu ta
không có một con người bé nhỏ nào gọi là ‘tôi’ để thâu nhận các thông tin từ mắt,
tai và v.v… như trên màn ảnh của máy điện tử và có thể quyết định bằng cách nhấn
một cái nút để tay chân hoạt động như thế này hay thế kia. Thật ra, mọi quyết định
đều là kết quả từ sự tương tác rất phức tạp của một mạng lưới khổng lồ của dây
thần kinh, hóa chất và các dòng điện. Cộng tác với nhau, chúng tạo ra một kết
quả, đó là một quyết định. Quá trình này xảy ra mà không hề có một cá thể nào tự
tạo ra quyết định cả. Phật giáo cũng nhấn mạnh điều này: Không có một cái “tôi”
thường hằng và vững chắc nào ở trong đầu ta để tạo ra quyết định cho ta cả.
Theo thói quen, chúng ta nói: “Tôi đang cảm nghiệm điều này. Tôi đang làm việc
nọ”, nhưng thật ra đó là kết quả của sự tương tác vô cùng phức tạp giữa nhiều yếu
tố. Phật giáo và khoa học rất giống nhau ở điểm này.
Hỏi: Thời gian
là gì? Sinh viên chúng tôi phải đến lớp đúng giờ, phải có đủ thì giờ để chuẩn bị
cho việc học hay làm tròn trách nhiệm công việc. Chúng tôi phải hiểu về thời
gian như thế nào để làm cho cuộc sống dễ chịu hơn?
Đáp: Trong đạo
Phật, thời gian được định nghĩa như “một thước đo của sự thay đổi”. Ta có thể
đo lường sự thay đổi bằng sự vận hành của các hành tinh hay vị trí của mặt trời
trong không gian. Ta có thể đo nó bằng số lớp dự thính mà ta đã tham dự ở giảng
đường trong một học kỳ – ta đã dự được mười hai lớp và còn lại hai lớp nữa. Ta
cũng có thể đo nó bằng chu kỳ vật lý, chu kỳ của cơ thể như chu kỳ kinh nguyệt,
bằng số hơi thở của chúng ta và v.v… Đây là những cách khác nhau để đo lường sự
thay đổi và thời gian là thước đo của sự biến đổi, đơn giản là như thế.
Thời gian có hiện hữu, nhưng có ảnh hưởng khác nhau
đối với chúng ta, tùy theo cách ta nghĩ về nó. Ví dụ chúng ta nghĩ, “Chỉ còn
vài ngày nữa là tới ngày thi rồi!”. Vì ta nghĩ đến thời gian như một con số nhỏ,
ta lo sợ vì không có đủ thì giờ. Nhưng nếu ta nghĩ theo cách khác, “Còn đến 24
tiếng nữa,” thì ta sẽ thấy còn đủ thì giờ để chuẩn bị cho việc thi cử. Điều này
là vấn đề tâm lý, tùy theo cách nhìn của chúng ta. Nếu ta xem thời gian như một
cái gì rắn chắc và nặng trĩu thì ta sẽ bị nó áp đảo và sẽ không có đủ thời giờ.
Nhưng nếu ta nhìn nó một cách cởi mở, xem ta có được bao nhiêu thời giờ, thì ta
sẽ cố sử dụng nó một cách tích cực, thay vì cảm thấy phiền muộn.
Hỏi: Phật giáo
dựa vào luận lý học và sự suy luận rất nhiều. Như vậy có khi nào Phật tử cần có
đức tin như trong các tôn giáo khác không?
Đáp: Phật giáo
không đòi hỏi điều này. Ta có thể thấy được điều này từ định nghĩa về những gì
hiện hữu. Những gì hiện hữu là “những gì ta biết được”, nếu không phải vậy thì
nó sẽ không hiện hữu, ví dụ như lông rùa, sừng thỏ, môi gà. Ta có thể tưởng tượng
gà có môi của người; ta có thể tưởng tượng một hình vẽ hoạt họa của con gà với
cặp môi; nhưng ta không thể thấy môi nơi con gà, vì điều này không có thật. Nó
không hiện hữu, vì nó không hề được biết đến.
Điều này ngụ ý là ta có thể biết được tất cả những
gì hiện hữu. Tâm của ta, hay hoạt động của sự ý thức về các hiện tượng, có thể
hiểu biết tất cả. Kinh điển có dạy rằng sự tuyệt đối vượt ra ngoài sự hiểu biết
và ngôn ngữ thế gian. Trước hết, tôi không thích dịch từ ngữ này là ‘tuyệt đối’
bằng Anh ngữ, vì nó có ý nghĩa như một cái gì ngoài tầm với của chúng ta, như một
cái gì xa tít ở trên trời. Tôi thích dịch nó như là ‘sự thật sâu sắc nhất về vạn
vật’. Sự thật sâu sắc nhất này hiện hữu, nhưng nó vượt khỏi tâm ta, vượt qua
khái niệm và ngôn từ, tức là ngoài sự nhận thức thường tình của con người. Ngôn
ngữ và khái niệm chỉ diễn tả những gì hiện hữu trong thể loại trắng và đen, người
tốt, người xấu, khôn và dại. Ngụ ý của việc sử dụng ngôn ngữ là mọi vật hiện hữu
theo các phân loại rõ ràng và độc lập. Ví dụ như “Anh này thật ngu ngốc. Anh ta
không thể làm điều gì đúng cả.”, “Đây là một vĩ nhân”. Nhận thức được thực tại
là thấy các pháp không hiện hữu theo sự tưởng tượng của ta, không thể xảy ra được
như trên đây, theo cái nhìn trắng và đen. Các pháp uyển chuyển hơn và luôn sống
động. Một người không thể làm được một việc gì hiện giờ, không có nghĩa là họ
lúc nào cũng đần độn, vì họ có thể làm những việc khác, trong vai trò của một
người bạn, một người cha hay mẹ và v.v..
Như thế, khi ta nói rằng điều sâu sắc nhất của các
pháp là chúng hiện hữu vượt trên tâm thức và ngôn từ, ta đang nói đến sự thật
là các pháp không hiện hữu theo cách ngôn ngữ và khái niệm diễn tả. Tâm ta có đủ
khả năng để chấp nhận điều này.
Không phải vì ta không hiểu được một vài điều gì đó
mà ta cần có đức tin để tin tưởng nó. Phật giáo không bao giờ đòi hỏi ta tin tưởng
một cách mù quáng. Trái lại, Đức Phật còn nói: “Đừng vì kính trọng ta mà các
con tin những gì ta nói. Hãy thử nghiệm chúng như khi các con đi mua vàng.” Điều
này đúng ở mọi cấp độ.
Sự lý luận về một điều nào đó có thể không được rõ
ràng đối với ta ngay lập tức. Tuy nhiên, ta không thể chối bỏ một quan điểm, chỉ
vì ta chưa hiểu nó. Nếu ta kiên nhẫn học hỏi và nghiên cứu, những gì trước kia
ta không hiểu, có thể trở nên hợp lý.
No comments:
Post a Comment