Monday, September 16, 2013

Quan điểm của Phật giáo về cúng sao giải hạn đầu năm

TT. Giác Minh - Đoàn III

| Thứ Bảy, 21:25 09-02-2013


Tháng 10 vừa qua, nhân một chuyến công tác tại miền Nam, cư sĩ Thiện Dũng (sống tại Hà Nội) đã ghé thăm Tịnh xá Ngọc Đà. Cư sĩ Thiện Dũng đã quy y và tu tập được gần 10 năm, nhân lần ghé thăm Tịnh xá Ngọc Đà lần này anh đã gặp và nhờ tôi giải nghi cho anh những vấn đề anh ta đang nghi vấn, thắc mắc về cuốn “Phật thuyết kinh Bắc Đẩu Thất Tinh Diên Mệnh” của tác giả Phúc Thiện do Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành năm 2009. Theo quan điểm của tôi, tuy cuốn sách có tựa đề bắt đầu bằng 2 từ “Phật thuyết” song với nội dung bàn về việc cúng sao giải hạn không phản ánh đúng tinh thần giáo lý nhà Phật. Dẫu đã giải thích cho cư sĩ Thiện Dũng được tỏ tường, nhưng tôi nghĩ không ít Phật tử cũng có những điều nghi vấn giống như trường hợp Thiện Dũng. Càng không hay nếu các Phật tử tin và hành theo cuốn sách trên, đặc biệt trong những ngày xuân sắp tới. Vì thế, nhân đây tôi xin có vài ý bàn về vấn đề vấn đề cúng sao giải hạn nhằm xây dựng một nền tảng chánh kiến cho các Phật tử cũng như tránh những hiểu lầm không đáng có của mọi người về giáo lý Phật-đà.

TT. Thích Giác Minh - Trụ trì Tịnh xá Ngọc Đà



1. Ý kiến của tôi về cuốn sách: “Phật thuyết kinh Bắc Đẩu Thất Tinh Diên Mệnh” do Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành năm 2009 của tác giả Phúc Thiện.

Là Phật tử, ai cũng biết kinh đó là do tác giả Phúc Thiện biên soạn. Cuốn kinh đó không phản ánh đúng tinh thần nhà Phật. Cuốn sách thật sai lầm, ngụy tác khi viết rằng:

"Chính tôi được nghe, một thuở nọ Đức Phật ở Tịnh Cư Thiên Cung, Ngài tập hợp Thiên chủ gồm các Phạm vương, Đế Thích, Bát Bộ và tứ chúng để đàm luận pháp yếu. Bấy giờ Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi từ tòa đứng dậy... Bạch Đức Thế Tôn, con thấy hầu hết chúng sinh từ Vua quan đến dân chúng dù sang hay hèn, cả côn trùng xuẩn động, muôn loài sinh vật nằm trong thái dương hệ, thiếu Âm, Dương. Ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ, thảy đều do nơi sao Bắc Đẩu Thất Nguyên Tinh Quân làm chủ tể... Khi ấy Phật bảo cả đại chúng rằng: Nếu có người nào hàng năm cứ đến mồng 8 tháng Giêng, mồng 7 tháng 7, mồng 9 tháng 9 và các ngày 7, 9 hoặc ngày mình sinh, mặc y phục sạch, đối trước kinh tượng chí tâm xưng niệm danh hiệu Đức Phật và các Bồ Tát, thời tùy tâm nguyện, cầu gì cũng thấy cảm ứng liền ngay... Này nữa Văn Thù! Khắp trong các cõi vua quan dân chúng, Tăng Ni, đạo tục, dù sang hay hèn, cũng chỉ bảy vị Bắc Đẩu Tinh Quân làm chủ bản mệnh... Nếu gặp năm xung hay các tháng hạn gây nên bệnh tật và các tai nạn, nếu biết thụ trì đọc tụng kinh này, giữ gìn trai giới, liền được tiêu tai giải hết ách bệnh. Nếu có người nào năm mệnh tai ách, gặp vận sao xấu làm mắt đỏ ngầu, màng che đồng tử, hoặc bị kiện tụng, giam cầm tù ngục, năm canh thao thức ác mộng kinh hoàng... nếu biết thắp đèn, bày theo tinh vị của sao Bắc Đẩu, hương hoa tịnh thủy cung kính cúng dường… đọc tụng kinh này bảy biến cho đến 49 biến, tâm liền tự tại thân được an khang. Nếu có người nam hay người nữ nào muốn cầu con cái nên vào tịnh thất, đối trước tinh vị của sao Bắc Đẩu, bái tụng kinh này 7- 100 biến... cầu tự thì sẽ sinh được con cái. Nếu cầu thi cử sẽ được đăng khoa tên ghi bảng vàng... Nếu có tai ương suy biến nguy cấp, thời nên lập tức thắp đèn Bắc Đẩu bày theo tinh vị, thành tâm khẩn cầu, đọc tụng tức thời sẽ được gia hộ tốt lành sở cầu như ý, sở nguyện viên thành. Này Văn Thù ơi! Bắc Đẩu Cổ Phật quảng đại từ bi... thị hiện giữa trời, chủ trường niên mệnh, thống lĩnh càn khôn, trên từ vua chúa, dưới đến nhân dân, trời đất núi sông, chim muông, cây cỏ, tất cả đều do Thất Tinh Bắc Đẩu cai quản soi chiếu...".

2. Từ ngày mùng 8 đến Rằm tháng Giêng, Phật tử thường đến các chùa nhờ quý Thầy viết sớ cầu an, cúng sao giải hạn. Tục lệ cúng sao giải hạn này bắt nguồn từ đâu? Và vì sao ngày càng phổ biến ở các chùa Phật giáo Việt Nam.

Cúng sao giải hạn không phải là một nghi thức Phật giáo mà nguyên thuỷ của nó từ Lão giáo ở Tàu. Sao hạn được tính theo học thuyết ngũ hành xung khắc. Theo sự vận chuyển của ngũ hành, mỗi năm có một vì sao chiếu mạng hợp với tuổi của từng người. Còn hạn là ách nạn, là cách thức riêng ứng với sao chiếu mạng tốt hay xấu. Lễ Rằm tháng Giêng, gọi là lễ Thượng Nguyên, là lễ hội dân gian ở Việt Nam, cũng được du nhập từ phương Bắc. Gọi “Thượng Nguyên” là cách phân chia theo âm lịch: thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), trung nguyên (Rằm tháng Bảy) và hạ nguyên (Rằm tháng Mười) của hệ thống lịch tính theo mặt trăng. Theo một số sách Tàu, có chín ngôi sao (có sách nói là bảy sao) phát sáng trên trời, đó là: Nhật Diệu, Nguyệt Diệu, Hỏa Diệu, Thủy Diệu, Mộc Diệu, Kim Diệu, Thổ Diệu, La Hầu và Kế Đô. Có sách thêm sao Thái Bạch nữa thành mười sao. Chín ngôi sao này còn gọi là Cửu Diệu, là các sao phối trí theo các phương, sắp xếp theo mười hai chi và ngũ hành. Theo sách này cho rằng, hàng năm mỗi tuổi chịu ảnh hưởng của một ngôi sao, gọi nôm na là sao “chiếu mạng”. Do đó, có năm gặp sao tốt, có năm gặp sao xấu. Sao La Hầu và Kế Đô là sao xấu, là loại ám hư tinh, vì hai sao này chẳng thấy được mặt trời.

Tuy bắt nguồn từ Lão giáo ở Tàu, nhưng tập tục này lại ăn sâu vào quan niệm của người dân Việt, rồi dần dà theo thời gian trở thành một tập tục lâu đời của người Việt. Qua quá trình giao thoa văn hóa, không biết từ bao giờ, nó nghiễm nhiên trở thành tục lệ Phật giáo.


Bảng tính sao hạn



Theo quan điểm của Phật giáo, không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa, bởi vì tất cả đều do nhân quả của chính người ấy làm nên. Đức Phật dạy, không có quả nào từ trên trời rơi xuống, hoặc dưới đất hiện lên, mà đều do các hành động qua thân, khẩu và ý của con người tạo ra. Mọi sự thành công hay thất bại của mỗi người trong đời chẳng phải do ai ban phát cho, mà do những hành động hoặc lời nói đã tạo từ trước (nhân), cộng với các yếu tố trong hiện tại (duyên), khi nhân duyên đầy đủ thì lãnh thọ quả báo (quả). Nhân xấu gặp duyên xấu thì ra quả xấu, và ngược lại. Ví như muốn có quả hồng ngon, chúng ta phải chọn giống hay chiết cành từ cây hồng ngon (trái to, vỏ mỏng chẳng hạn). Thêm vào đó chúng ta biết chăm sóc, bón phân, tưới nước đúng thời kỳ, thế nào chúng ta cũng sẽ hái được một trái hồngvỏ mỏng, ngon ngọt, như ý.

3. Cúng sao giải hạn là một tục lệ Lão giáo, có nguồn gốc từ Tàu. Vậy bằng cách nào tục lệ ấy có thể hòa nhập và ngày càng phổ biến ở các chùa Phật giáo Việt Nam?

Cúng sao giải hạn là một trong những hình thức phương tiện các chùa Phật giáo vận dụng để đưa chúng sinh đến gần với Phật pháp. Thực trạng hiện nay cho thấy, số lượng người tham dự trong một buổi thuyết pháp không đông bằng một buổi cúng sao giải hạn. Việc cúng sao thoả mãn những mong cầu về sức khoẻ, tài vận trong công việc làm ăn hiện tại của nhiều người, trong khi lợi ích nghe pháp tùy thuộc rất nhiều vào căn cơ, chủng tánh và trình độ của mỗi người. Việc cúng tế đó chỉ đáp ứng, thoả mãn sự sợ hãi của tâm tưởng và tâm tham của con người.

Khi vận dụng nghi thức cúng sao giải hạn của Lão giáo, các thầy chủ lễ không sử dụng nghi thức Lão giáo mà thay vào đó là tụng kinh, sử dụng các nghi thức của Phật giáo, để cho những ai chưa phải Phật tử được nghe lời kinh mà thức tỉnh. Những ai đã là Phật tử rồi, có dịp ôn lại lời kinh để việc học Phật, tu Phật càng vững chãi hơn, tinh tấn hơn. Hơn nữa, qua việc cúng bái đó, Tăng Ni có cơ hội tiếp cận, gần gũi và giúp đỡ quần chúng; khuyên họ làm lành lánh dữ, đi chùa tụng kinh lạy Phật, bố thí cúng dường... Thực tế cho thấy, nhiều người khi được cúng sao giải hạn và tu tâm sửa tánh, làm lành lánh dữ, làm phúc, bố thí, cúng dường v.v… cảm thấy khỏe hơn, làm ăn phát đạt hơn và từ đó tin tưởng vào Phật pháp hơn, về chùa thường hơn. Đây là cơ hội tốt để qúy thầy có dịp tiếp tục hướng dẫn họ tu tập, gieo duyên với Tam bảo. Từ đó, cánh cửa đi vào Phật pháp với họ không còn cách xa nữa.

4. Mặt tiêu cực của việc cúng sao giải hạn

Một số vị đã đặt nặng việc cúng sao giải hạn lên một cách thái quá để rồi khi mắc các sao bị coi là xấu phải lo sợ, không dám khởi sự làm ăn hay đi đâu xa. Khi đi cúng sao giải hạn thì người cúng lại bày thêm những lễ vật và nghi thức mang màu sắc mê tín như thỉnh bùa để đeo, làm phép… Nếu không hết, họ lại đi vái van cầu xin Phật, xin thần đủ mọi nơi mọi chỗ.

Thực chất cúng sao giải hạn theo quan điểm Phật giáo là sự giáo dục răn đe, khuyến cáo con người lánh dữ làm lành để chuyển hóa tai ương thành sự tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu người làm công tác truyền bá giáo pháp không cẩn thận sẽ bị lôi cuốn theo dòng xoáy của phương tiện, đánh mất đi phương châm giải thoát, cứu cánh giác ngộ. Xem sao đoán hạn, cúng giải cho ai đó là cách thức đưa họ vào đạo, nhưng nếu chúng ta giảng giải không khéo, không thông và cử hành lễ cúng mang nặng hình thức phù chú bí ẩn thì vô tình chúng ta đưa họ vào con đường mê tín mà không hay biết. Ngoài ra, lợi dụng sự tín tâm của nhiều người, không ít kẻ vì lợi nhuận thường bày bán đủ các loại lễ vật cúng sao hạn trước các cửa chùa, tạo cái nhìn không tốt về đạo Phật. Một số chùa khi cử hành nghi thức cúng sao hạn cũng rất nặng nề, phiền phức, mang vẻ âm u huyền bí, làm mất sự trong sáng của nền tín ngưỡng Phật giáo và bản chất của phong tục. Chính điều đó, đã biến phong tục ngày càng mang màu sắc mê tín trầm trọng, kèm theo những đánh giá không tốt về Phật giáo.


Cúng sao, giải hạn hiện tượng thường thấy vào tháng Giêng tại một số chùa

5. Giữa hai mặt tích cực và tiêu cực của việc cúng sao giải hạn, ta nên làm thế nào cho phải?

Mấy năm gần đây, khi đến thăm các ngôi chùa, tịnh xá trong những ngày Xuân, thật buồn lòng khi thấy một vài nơi, khá đông Phật tử đến nhờ xem tuổi, xem sao hạn và ghi tên vào danh sách cúng sao giải hạn, và phải đóng một khoản tiền nhiều ít tuỳ loại. Có vị trụ trì nói với Phật tử: “Anh năm nay sao Thái Bạch, vào hạn khánh tận. Thái Bạch là sạch cửa nhà, phải dùng tám ngọn đèn hay tám ngọn nến làm lễ hướng Tây, mỗi tháng cúng vào ngày Rằm, khấn đức Thái Bạch Tinh Quân”. Cứ như thế, người vào người ra mang trong lòng nỗi buồn vui đầu năm theo những vì sao đã an bài cho đời sống của mình suốt năm.

Sao lại biến chốn thiền môn nghiêm tịnh thành nơi thờ cúng thần tiên, cầu hên xui may rủi cho con người? Cũng thương thay cho những ai đặt lòng tin không đúng chỗ, trao phận mình cho người khác định đoạt qua việc khấn sao xin giải trừ hạn xấu. Phải chăng vì bã lợi mà nhiều vị trụ trì đã quên đi bài học về luật nhân quả trong nhà Phật? Có thật cúng sao giải hạn là một phương tiện, một cách đưa Phật giáo đi vào đời? Các vị chỉ biết mở cửa phương tiện chứ chưa biết đóng lại khi cần thiết.

Trước thực trạng mê tín tăng mạnh như hiện nay, đã đến lúc chúng ta nên mạnh dạn, dứt khoát bỏ hẳn tục lệ cúng sao giải hạn này. Theo tinh thần Kinh Di Giáo, đức Phật đã dạy chúng ta không nên xem bói toán, xem quẻ, xem sao và xem tướng số trước khi Ngài nhập Niết-bàn. Chúng ta hiện là những người học Phật, tu theo Phật, nếu chúng ta tinh tấn, nỗ lực tu học thì chính thân giáo của chúng ta đã là một cách hoằng pháp hữu hiệu. Thời đức Phật tại thế, có nhiều thầy Bà-la-môn, ngoại đạo có pháp thuật phi thường, nhưng vì lợi dưỡng đã có những biểu hiện như tranh đấu với đức Phật để mong cầu tín đồ nghiêng về phía mình, nhưng với đức hạnh của Phật, Ngài đã cảm hóa được biết bao người nhận rõ đây là con đường đưa đến khổ xứ cần phải từ bỏ, đây con đường chân chánh cần phải hành trì, ngay cả những thầy Bà-la-môn có tâm niệm sai quấy về Ngài trước kia. Trong khi phương tiện cúng sao giải hạn cần có đối tượng mới có thể hoạt động được thì hình ảnh của một vị Thầy sống đơn giản, nhẹ nhàng hoặc một nhà Sư thanh bần, giải thoát ôm bát khất thực giữa dòng đời, hoặc những vị cả đời hành hạnh bố thí, có mặt ở khắp các miền bị thiên tai, lũ lụt, cứu giúp những mảnh đời bất hạnh… sẽ đánh mạnh vào tâm thức của mọi tầng lớp nhân dân. Cần chi những phương tiện hay hình thức như cúng sao giải hạn kia!

6. Cùng mang ý muốn được bình an như việc cúng sao giải hạn đầu năm, còn có viết sớ cầu an. Vậy cầu an có phải là một phương tiện không? Cầu an mang ý nghĩa gì?

Cầu an là cầu cho chính mình hoặc cầu cho người khác khỏe mạnh và an lạc. Cầu an không phải là một phương tiện. Vào thời đức Phật còn tại thế, Ngài luôn cầu an đến chúng sanh với nhiều hình thức mà phổ biến nhất, cho đến ngày nay ta vẫn thấy là phương pháp hồi hướng cầu an sau mỗi thời công phu hoặc giờ độ ngọ. Vào thời đức Phật, khi làm xong một việc gì ích lợi cho chúng sanh, chư Tăng đều hồi hướng công đức để cầu nguyện cho chúng sanh được bình an, nhẹ nhàng cả. Đó là một việc rất bình thường. Khi Phật giáo được truyền sang các nước như Tàu, Nhật Bản, Việt Nam để hòa nhập vào đời sống văn hóa tâm linh bản địa nên cầu an đã được nâng lên thành một nghi thức.

Để việc cầu an hiệu quả và đúng pháp, thì chính đương sự phải cùng với thân nhân tham dự buổi lễ với tâm niệm chí thành, đồng tâm tụng niệm. Chính nhờ những giờ phút nguyện cầu, tụng niệm chí thành đó, tâm họ sẽ được thanh tịnh. Thân và tâm luôn biến đổi trong từng sát na. Khi tâm chuyển thì nghiệp sẽ chuyển, tất cả rủi ro, tai ách đều chuyển. Quả xấu là do thân, thẩu, ý nghiệp xấu tạo nên. Có câu: “Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu”. Sở dĩ chư Tôn đức Tăng Ni hay khuyên thân nhân nên cùng tụng niệm, làm phước là để cho đương sự được tăng trưởng niềm tin khi thấy có người đồng tu, chứ nhân vật chính vẫn phải là đương sự. Nếu chỉ “cúng dường” cho quý Thầy, quý Sư nhờ tụng niệm giùm, rồi xoa tay hoan hỷ về nhà, chờ kết quả thì người cúng chỉ hưởng được phước báu cúng dường vật chất, còn nghiệp ác trong quá khứ vẫn còn nguyên đó, và việc cầu an không thể thành tựu được. Về phía chư Tăng, việc cầu an cho tín chủ dù là tụng kinh, trì chú hay niệm Phật đều phải phát xuất từ lòng đại từ đại bi, yêu thương chúng sanh đang đau khổ, và chính bản thân nhà sư, vị thầy cũng có năng lượng tâm linh dồi dào mới có khả năng hồi hướng công đức lành. Bằng công đức có được từ việc tụng kinh, trì chú, niệm Phật và năng lượng lành phát khởi bằng lòng yêu thương hướng đến người đang khổ đau, bệnh tật, đương sự sẽ nhận được nguồn năng lượng lành này, giảm nhẹ hay tiêu trừ ác nghiệp. Thân tâm họ sẽ trở nên mát dịu, khổ đau sẽ được vơi bớt hoặc không còn.

Là Phật tử đã biết Phật pháp, chúng ta nên thực hành theo lời đức Phật đã chỉ dạy: Phải tự trau dồi đời sống đạo đức, cố gắng làm các hạnh lợi tha, giúp đỡ mọi người, sống đời sống chánh niệm và tỉnh thức. Được như vậy thì Phật tử lúc nào cũng an, cũng khỏe mạnh, cũng được hạnh phúc. Bằng không, sống viển vông, tà hạnh, không tạo các công đức lành, sẽ rơi vào con đường tội lỗi, dù có cầu nguyện bao nhiêu cũng không thể an ổn được. Xin tặng quý Phật tử hai câu Kinh Pháp Cú để quý Phật tử ghi nhớ mà giải quyết khổ đau, chế tác hạnh phúc.

“Chớ coi thường điều ác,

Cho rằng chưa đến mình,

Như nước nhỏ từng giọt,

Rồi bình cũng đầy tràn,

Người ngu chứa đầy ác,

Do chất chứa dần dần.”

(Số 121)

“Chớ chê khinh điều thiện,

Cho rằng chưa đến mình,

Như nước nhỏ từng giọt,

Rồi bình cũng đầy tràn,

Người trí chứa đầy thiện,

Do chất chứa dần dần…”

(Số 122)

Kính chúc chư Phật tử, độc giả sức khoẻ dồi dào, tuệ đăng thường chiếu, không bị các hủ tục dân gian làm mất đi chánh tín và hành xử những điều không đúng chuẩn của người con Phật.

(Cuối Đông, Tịnh xá Ngọc Đà, Đà Lạt, Lâm Đồng)


No comments:

Post a Comment